Đề xuất hình thành trung tâm logistics tầm cỡ quốc gia tại TP Thủ Đức
Nhiều doanh nghiệp đã đề xuất hình thành trung tâm logistics tầm cỡ quốc gia trong điều chỉnh quy hoạch chung TP Thủ Đức (TP.HCM).
Tin tức trong ngày hôm nay
Ngày 5/3, UBND TP Thủ Đức đã tổ chức tọa đàm doanh nghiệp về đóng góp ý tưởng đề án quy hoạch chung TP Thủ Đức.
Theo ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức, TP Thủ Đức đã được Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung đến năm 2040 với mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế tri thức, khoa học – công nghệ, tài chính quan trọng của TP.HCM và quốc gia.
Đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông
Vấn đề được khá nhiều đại biểu quan tâm và góp ý đó là việc điều chỉnh quy hoạch hệ thống giao thông, phát triển hệ thống giao thông (các loại hình) trên địa bàn TP Thủ Đức.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng: TP Thủ Đức muốn thu hút các nhà đầu tư, tầm cỡ quốc tế phải đầu tư mạnh hạ tầng giao thông.
“Hiện nay, TP Thủ Đức đã và đang được phê duyệt rất nhiều tuyến đường kết nối với trung tâm TP.HCM cũng như các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương như: Vành đai 2, Vành Đai 3, cầu Cát Lái, tuyến Metro số 1… Hạ tầng giao thông phát triển thì sẽ thu hút được các nhà đầu tư lớn, những “con sếu đầu đàn” đầu tư vào TP Thủ Đức”, ông Châu nói.
Đề xuất hình thành trung tâm logistics tầm cỡ quốc gia tại TP Thủ Đức 1
Tàu thuyền neo đậu tại cảng Cát Lái (TP.Thủ Đức). Khu vực cảng này nhiều đại biểu đề xuất nên hình thành trung tâm logistics tầm cỡ Quốc gia. Ảnh: Quang Phương.
Trung tá Nguyễn Phương Nam, Phó tổng giám đốc Công ty Tân Cảng Sài Gòn đề xuất quy hoạch TP Thủ Đức cần xem xét đến vấn đề các tuyến giao thông kết nối giữa TP Thủ Đức và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai.
“Cần xem xét phát triển các tuyến giao thông kết nối khu cảng Cát Lái đến Bình Dương, Đồng Nai vì lượng hàng đi qua Cát Lái rất lớn.
Phát triển các tuyến đường đề giảm tải cho Xa lộ Hà Nội. Nếu tình hình giao thông ở các tuyến đường trọng yếu như Xa lộ Hà Nội cứ kẹt xe như hiện nay thì ảnh hưởng rất lớn đến cái tầm của một thành phố sáng tạo.
Bên cạnh đó, nghiên cứu quy hoạch phát triển các khu đậu, chờ cho tàu thuyền trả, lấy hàng hóa, hiện nay neo đậu rất manh mún”. Ông Nam đề xuất.
Cũng liên quan đến vấn đề điều chỉnh quy hoạch lĩnh vực giao thông, bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Western Pacific, cho rằng Thủ Đức là một nơi có điều kiện địa lý thích hợp để phát triển trung tâm logistics tầm cỡ quốc gia.
“Trong điều chỉnh quy hoạch chung của TP.Thủ Đức, đề nghị nghi rõ hình thành trung tâm logistic tầm cỡ quốc gia, tại khu vực cảng Cát Lái và các vùng lân cận.
Ở khu vực này, có đủ điều kiện để hình thành và phát triển thành một trung tâm logistics tầm cỡ quốc gia. Cần phải phát triển giao thông theo hướng kết nối đa phương thức: đường bộ, đường sông, đường hàng không.
TP Thủ Đức nên dành quỹ đất để cho các doanh nghiệm có kinh nghiệm trong lĩnh vực này thực hiện nhiệm vụ trên”, bà Huệ đề xuất.
Điều chỉnh quy hoạch phải gắn với thực tế đời thường
Góp ý vào vấn đề quy hoạch TP Thủ Đức, ông Nguyễn Đỗ Dũng, Tổng giám đốc Công ty Encity cho biết: Qua khảo sát 170 doanh nghiệp có 40 các doanh nghiệp mong muốn được tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp của TP Thủ Đức.
Ông Dũng ý kiến: Việc quy hoạch TP Thủ Đức về quỹ đất phải tạo ra cơ hội đầu tư mới, quy hoạch quỹ đất linh hoạt, cho phép nhiều chức năng trong các loại hình đất. Gia tăng dân số dọc theo các tuyến giao thông công cộng và các tuyến có hạ tầng tốt.
Đề xuất hình thành trung tâm logistics tầm cỡ quốc gia tại TP Thủ Đức 2
Hệ thống hạ tầng giao thông là yếu tố quan trọng trong thu hút các nhà đầu tư đến đầu tư vào TP.Thủ Đức. Trong ảnh là tuyến đường Nguyễn Xiển. Ảnh: Quang Phương.
Còn bà Phạm Thị Huệ Linh, Giám đốc Trung tâm quy hoạch xây dựng 4 (thuộc Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia – VIUP), ý kiến: Không gian đô thị sáng tạo phải tạo ra sự sáng tạo cho doanh nghiệp, cho mọi người.
“Trên cùng một mảnh đất quý vị có thể xây dựng, tạo ra nhiều chức năng khác nhau trong những thời gian khác nhau. Đô thị thông minh cần xem xét lại nhà cao tầng, phải hướng gió chứ không phải sử dụng điều hòa”, bà Linh nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng BQL Khu công nghệ cao TP.HCM góp ý quy hoạch đô thị sáng tạo phải đảm bảo điều kiện sống, học tập, làm việc phải diễn ra trong một không gian chung để phát triển hoạt động đổi mới sáng tạo.
“Đồ án quy hoạch của TP Thủ Đức phải được lập theo một hướng tiếp cận mới, đảm bảo tính linh hoạt. Quy hoạch hiện tại rất cứng nhắc: ví như chỉ lập những phân khu sản xuất riêng, ăn uống riêng… không lồng ghép vào nhau được.
Tôi đề nghị phải tiếp cận theo hướng khác, thực tế hơn, phải lồng ghép các dịch vụ, chức năng vào nhau”, ông Thi đề nghị.
CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN THỨ 68- GÁNH NƯỚC
Có hai vị hoà thượng ở hai ngôi chùa trên hai...
CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN THỨ 42- NGƯỜI CÔNG NHÂN
Một nữ công nhân làm việc tại nhà máy chế...
CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN THỨ 92- THIỀN SƯ VÀ CHÚ BÉ
Một vị sư lên rừng đốn củi, trên đường về...